ÁP LỰC ĐỒNG TIỀN, NỢ NẦN VÀ 3 CÁCH TÔI VƯỢT QUA NÓ!
Nếu đọc bài viết này, có lẽ bạn đang có những khoảng nợ cần phải giải quyết, tôi rất hiểu cảm giác của bạn ngay lúc này. Chán nản và mệt mỏi, tự đặt câu hỏi làm sao để thoát ra khỏi nợ nần. Để vượt qua thời điểm nợ nần, khó khăn về tài chính nhiều người sẽ né tránh hoặc mượn trợ trả nợ. Nhưng như thế chỉ khiến cho vấn đề hoặc không được giải quyết hoặc càng ngày càng trầm trọng hơn thôi.
Bản thân tôi cũng đã có những khoảng thời gian tồi tệ với các khoản nợ, nhưng tôi đã vượt qua được, và đây là những cách giúp tôi vượt qua nó. Hãy cùng đọc và thực hành nhé.
1. Hình thành tâm lý sống cùng, vượt qua món nợ của bạn bằng việc cắt giảm chi tiêu
Việc đầu tiên là chấp nhận khoản nợ do bản thân gây ra, chịu trách nhiệm về nó. Trong khoảng thời gian đó, những suy nghĩ trong đầu tôi là: nợ làm mình thiếu hụt tiền, việc này không thoải mái tí nào, nhưng mình chấp nhận điều đó, sẵn sàng tìm cách để vượt qua được.
Một số khó khăn khi thiếu tiền có thể là: không được mua sắm những gì mình thích, không thể cho đi một cách thoải mái, chấp nhận việc chi tiêu ở mức tối thiểu cho các nhu cầu sinh hoạt cơ bản,…
Vì tâm lý sẵn sàng cho sự thiếu hụt, tôi đã dễ dàng hơn trong việc cắt giảm tạm thời những khoảng chi tiêu không cần thiết, dừng các nhu cầu mua sắm cá nhân, chọn sẽ ăn uống tại nhà, không ăn ngoài hàng các bữa sáng tối, hạn chế tối đa việc mua sắm quần áo, mỹ phẩm. Không nợ thẻ tín dụng, không nảy lên nhu cầu mua sắm trả góp,…
2. Cân đối lại kế hoạch tài chính – ưu tiên trả trước cho bản thân
Ưu tiên trả nợ không phải là ưu tiên số 1, điều ưu tiên hàng đầu trong khoảng thời gian mắc nợ cũng như sau khi thoát được nợ là đầu tư hoặc tiết kiệm. Tuy có nợ phải trả, nhưng khi nhận được khoản thu nhập, việc đầu tiên tôi sẽ rút ra, chuyển về tài khoản thứ hai 10 – 20% thu nhập để tiết kiệm hoặc đầu tư. Kế hoạch tài chính lúc này của tôi sẽ là:
Ưu tiên 1: 10 – 20% thu nhập để tiết kiệm hoặc đầu tư
Ưu tiên 2: 30 -35% thu nhập để trả nợ tối thiểu
Ưu tiên 3: 45-60% thu nhập để chi trả cho mức sinh hoạt tối thiểu
Tuy khoản tiền tiết kiệm hoặc đầu tư ít ỏi, nhưng nếu không có danh mục tiết kiệm, đầu tư sau một thời gian tôi chỉ có những khoản nợ giảm đi mà không còn lại gì cho bản thân và gia đình của mình. Chưa kể đến việc nếu đầu tư hiệu quả, các khoản tiền sẽ gia tăng.
Còn đối với tiết kiệm, tôi giữ tiền bằng cách, thay vì để tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản. Tôi sẽ dùng nó để mua VÀNG. Vì khi bạn cần chi tiêu, bạn phải chuyển đổi vàng thành tiền mặt, nó phần nào làm chậm lại ý định muốn chi tiêu của bạn, cho bạn cơ hội suy nghĩ kỹ mình có nên tiêu nó hay không. Những lúc đó, tôi chọn không bán vàng để chi tiêu.
3. Tăng đối đa các khoản thu nhập – nếu có thể
Khi bạn thiếu tiền, thay vì cắt giảm chi tiêu những điều tối thiếu, chi phí sinh hoạt cơ bản. Giải pháp ở đây là cần gia tăng thu nhập, kiếm thêm các khoản thu nhập khác. Tôi chấp nhận làm nhiều hơn để kiếm được một số khoản thu nhập tự động. Bằng việc nhận các công việc làm thêm cùng chuyên môn làm buổi tối hoặc thời gian rảnh trong ngày. Làm cộng tác viên online cho shop thời trang, bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội,…
Trên đây là 3 cách tôi vượt qua các khoản Nợ của bản thân trong thời gian vừa qua. Theo tôi rào cản và khó khăn lớn nhất trong khoảng thời gian sống cùng nợ là yếu tố 1, việc hình thành tâm lý cá nhân sống cùng nợ.
Bạn cần phải chuẩn bị tâm lý chấp nhận, sẵn sàng đối diện và đồng hành cùng nợ trong khoảng thời gian dài hoặc ngắn tùy khoản nợ cá nhân.
Khi bạn chấp nhận nợ đem lại sự không thoải mái, bạn mới dễ dàng thoải mái trong những chi tiêu cơ bản, tối đa việc cắt giảm nhu cầu mua sắm – KHÔNG CẦN THIẾT- của bản thân. Xem đây là một cơ hội để rèn luyện việc chi tiêu có mục đích và chi tiêu hiệu quả.
Thực hành, thực hành và thực hành, là những gì quan trọng bạn cần làm ngay lập tức khi đọc xong bài viết này của tôi. Bạn sẽ sớm vượt qua được nợ và có tài chính tốt hơn ở tương lai.
Mong chia sẻ này hữu ích với bạn.